Trong bối cảnh giá chung cư không ngừng tăng cao, các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo cho nhà đầu tư.
Ba bộ Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, có hiệu lực từ 1.8.2024. Ngay sau khi các luật mới có hiệu lực thi hành, cả hệ thống từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đến doanh nghiệp bất động sản đều “chạy đua” với các chương trình phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật mới.
Sau hơn 6 tháng, các ban ngành địa phương đã tăng tốc ban hành văn bản quy định chi tiết 3 luật, thống nhất xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật vào thực tiễn cuộc sống. Những quy định mới được đánh giá đã và đang có nhiều tác động sâu sắc đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết: “Để đánh giá các luật bất động sản thực hiện trong 6 tháng qua tác động thế nào tới thị trường bất động sản, tốt hay không tốt, có vai trò gì, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá. Vì cần phải có thời gian để luật thẩm thấu vào các sản phẩm trên thị trường”.
Với bất động sản có sẵn trên thị trường, thì đây là những sản phẩm có từ vài năm trước, thậm chí 10 năm. Do đó, có nhanh hơn thì phải 2 – 4 năm nữa mới có sản phẩm theo chính sách mới được.
Nhìn lại năm 2023 – 2024, thiếu nguồn cung khiến giá tăng rất cao và tăng đột biến. Nếu để như vậy, thì người lao động rất khó tìm được nhà ở. Bây giờ, người lao động muốn tìm nhà giá tầm 50 triệu đồng/m2 cũng rất khó, rất hiếm. Cả chung cư cũ, tập thể cũ, giá cũng lên gấp 1,5 – 2 lần so với trước đây.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – chia sẻ, giá nhà cao nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mua được, vẫn cho thuê được vì họ kỳ vọng vào tương lai, vừa ăn chênh lệch nếu bán đi hoặc cho thuê. Nhưng đây là rủi ro lớn cho tương lai, cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.
“Quan điểm của tôi, năm 2025 cần đưa ra cảnh báo rằng nhà đầu tư “ôm” nhiều chung cư sẽ rất rủi ro, bởi nếu thị trường mất thanh khoản, ngân hàng cũng không đủ lực để “đỡ”. Tôi băn khoăn là chất lượng nhà ở hiện nay vẫn thế mà giá tăng gấp đôi. Trong khi đó, bao nhiêu nhà còn bỏ hoang mà thị trường vẫn thiếu. Rõ ràng, chúng ta thấy một vấn đề lãng phí”, ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, ngân hàng cứ cho vay, nhà đầu tư cứ mua nhà, người mua sau chênh giá với người mua trước, cuối cùng rủi ro sẽ đổ lên người mua cuối cùng, và họ sẽ gánh chịu hậu quả.
Nguồn: Như Hạ – Báo Lao Động