“Nóng” ở nghị trường
Sáng 28/10, trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Theo Đại biểu, tại buổi họp báo ngày 17/10 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường. Từ đầu năm đến nay, giá đất bất động sản, giá nhà đất liên tục tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự…, không chỉ ở các khu vực trung tâm mà sức nóng đang lan dần sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô. Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả chung cư mới và cũ), tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây. Đất nền ven đô cũng nóng lên từ chuyện đấu giá đất ở một số huyện ven đô, lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Đại biểu Thủy cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua là tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá. Một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi. Nguyên nhân tiếp theo mà đại biểu Thủy đưa ra là do tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, và thực tiễn này có xu hướng này ngày càng tăng cao. Và hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp.
Cùng chung vấn đề, Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần có giải pháp cụ thể hơn để tháo gỡ những vướng mắc. Về tổng thể, các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong dự thảo Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự cụ thể để có thể triển khai ngay để khắc phục được những hạn chế như đã nêu trong Báo cáo giám sát. Về định giá đất, ông An cho rằng, mặc dù Báo cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc lớn trong việc định giá đất. Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến định giá đất đưa ra trong dự thảo Nghị quyết còn mang tính chung chung, chưa đủ cụ thể để tháo gỡ các vấn đề thực tiễn…
Trước đó đã “nóng” ở thị trường
Trước đó, tháng 8-2024, dư luận xã hội không ngừng xôn xao, sau gần một ngày với 10 vòng trả giá, phiên đấu giá 19 lô đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức kết thúc vào rạng sáng 20/8. Mức khởi điểm thấp, từ 7,3 triệu đồng một m2 giúp địa phương thu hút lượng lớn người tham dự phiên đấu giá. Phiên đấu giá kết thúc sau hơn 18 giờ, hơn chục thửa đất đã trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2, trong đó lô cao nhất là 133,3 triệu một m2. Mức giá trúng cao hơn 18 lần mức khởi điểm gây sốc cho hầu hết mọi người và được nhìn nhận là cao bất thường, vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực.
Ngày 19/10, quận Hà Đông đã đấu giá thành công 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Sau 14 vòng đấu, đã xác định được khách hàng trúng giá cao nhất lên đến 262 triệu đồng/m2, cao gấp 8 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng/m2.
Mới đây, ngày 22/10, tại Thường Tín, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, 19/40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, cũng được đấu giá thành công với mức giá trúng cao nhất ở mức 52,864 triệu đồng/m2; giá thấp nhất 24,384 triệu đồng/m2, cao gấp 6,31 đến hơn 14 lần giá khởi điểm (3,864 triệu đồng/m2). Còn 21 thửa đất không đấu giá thành công do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế.
Hệ lụy giá đất bị kéo lên theo do “đầu cơ”, “thổi giá”
Theo các chuyên gia, mức giá tăng cao do thị trường bất động sản Hà Nội đang tăng trưởng “nóng” trong khi nguồn cung vẫn hạn chế, mức giá sơ cấp liên tục thiết lập mặt bằng mới ở ngưỡng cao cùng với kỳ vọng về việc mở rộng thành phố và hạ tầng giao thông. Không thể không đề cập đến nguyên nhân quan trọng khiến mức giá đấu trúng tăng cao, là do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích “thổi giá”, tạo mặt bằng giá cao để làm căn cứ để đẩy mức giá của các lô đất có liên quan nhằm trục lợi.
Và dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường. Bởi trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi. Mà việc quy các hành vi này là “đầu cơ”, “thổi giá” hiện nay cũng đều xuất phát từ cảm tính cần văn bản hóa, luật hóa để xác định rõ hơn hành vi này, làm căn cứ xử lý.
Thực tế, lý do khiến giá bất động sản Hà Nội bị đẩy lên cao làm cho giá bất động sản không còn phản ánh đúng giá trị thực tế của thị trường bởi: kỳ vọng lợi nhuận cao – môi giới và nhà đầu tư thường tạo ra tâm lý sốt đất, khiến khách hàng nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục tăng và tạo động lực mua vào; thao túng giá – một số môi giới có thể cố tình thổi phồng giá trị bằng cách truyền thông rằng giá đất sẽ tăng, thu hút nhiều nhà đầu tư chạy theo; tâm lý “bắt kịp” thị trường – nhà đầu tư sẵn sàng mua giá cao với kỳ vọng bán lại với giá cao hơn, góp phần tạo nên vòng luẩn quẩn giá trị ảo; tạo khan hiếm giả – giới đầu tư hoặc môi giới có thể “găm hàng” để tạo ra cảm giác thiếu hụt nguồn cung, khiến người mua phải mua giá cao hơn.
Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà nội, năm ngoái giá bất động sản ở TP.HCM đã “nhảy” chạm đỉnh, thì năm nay dân đầu cơ đã lỗ. Hiện tại, bất động sản ở các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng,… khó thanh khoản, do không có dòng tiền. Dòng tiền đầu cơ đã kéo về Hà Nội tạo sóng cuối. Giá đất hiện hiện vẫn trong xu hướng tăng, nhưng đến một ngưỡng giá nào đó thì phải hạ nhiệt và đi ngang như thời kỳ 2012 – 2019 vì giá nhà, đất hiện nay đã vượt quá thu nhập của người dân và lãi suất thả nổi ở mức cao.
Luật sư Đức cũng dự báo, giá nhà đất có thể sẽ hạ nhiệt vào cuối năm do các chủ đất cần thu tiền về trả nợ, giảm tiếp vào đầu năm khi các chủ đất cần vốn đầu tư làm ăn và nhu cầu mua giảm. Ở thời điểm hiện tại, với văn hóa người việt chuẩn bị một mái ấm ổn định để đón Tết coi như một thành quả lao động dẫn đến cung lớn hơn cầu và giá cả tăng theo. Ở góc độ ngành, 2 năm nay dự án phát triển nhà đất bị đình trệ vì vướng mắc về pháp lý do đó nguồn cung sụt giảm mạnh.
Vai trò của thị trường bất động sản và phản ứng chính sách
Về vĩ mô, bất động sản và thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế; hiện dòng tiền, tín dụng của nền kinh tế đều có liên quan đến Bất động sản, do đó đảm bảo thị trường này phát triển bền vững, minh bạch, lành mạnh là yêu cầu cầu bức thiết.
Dưới góc độ người dân, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “nóng” lên như hiện nay, tình trạng thổi giá đã trở thành mối lo ngại lớn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và nền kinh tế. Việc quy định rõ ràng về giá trị bất động sản, dựa trên các yếu tố thực tế như vị trí và tiện ích, là hết sức cần thiết. Thông tin minh bạch, kịp thời về giá cả và giao dịch bất động sản là điều hết sức cần thiết, đảm bảo cung cấp rộng rãi, công bằng trong tiếp cận thông tin để người mua có đủ thông tin, cơ sở, dữ liệu đưa ra quyết định mua, bán.
Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng sẽ góp phần ổn định thị trường. Cùng với áp dụng các hình thức xử phạt nặng đối với các cá nhân, tổ chức thổi giá sẽ tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và hướng đến một thị trường bất động sản phát triển bền vững.
“Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả”- Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh.
Với những động thái như vậy, rõ ràng những “tín hiệu” bất thường từ thực tiễn cuộc sống đã được các Đại biểu Quốc hội lắng nghe và thảo luận tại diễn đàn Quốc hội – Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, để cơ quan có thẩm quyền kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, để giá đất thôi không “nhảy múa” đưa về giá trị thực vốn có của nó, không làm “méo mó” thị trường bất động sản vốn vừa mới ấm lại sau những ngày đóng băng và để những người có nhu cầu thật chạm tới ước mơ “có nhà” an cư lạc nghiệp./.
*Nguồn: Phóng viên Lan Anh – Báo: thanhtravietnam.vn
Leave a Reply